Quản trị Công ty các Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (SME)

Quản trị công ty (Corporate Governance) là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển và bền vững của các tổ chức thuộc mọi loại hình và quy mô từ nhỏ, vừa, và lớn. Hiện nay, có rất ít hướng dẫn về quản trị tốt dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thay vào đó, hầu hết các hướng dẫn về quản trị hiện có dành cho SMEs chỉ là các phiên bản thu nhỏ của các giải pháp quản trị được phát triển cho các công ty lớn đã hoạt động lâu dài. Cách tiếp cận này không tính đến nhiều rủi ro, đặc điểm và thực tiễn độc đáo của SMEs và do đó có tính áp dụng hạn chế trong việc giúp các nhà lãnh đạo SMEs hoàn thành mục đích và tiềm năng của công ty họ.

Để SMEs có thể hưởng lợi từ việc áp dụng quản trị tốt, cần giúp SMEs phát triển quản trị công ty một cách tự nhiên bằng cách đưa ra các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, từ giai đoạn khởi nghiệp đến khi trở thành doanh nghiệp trưởng thành.

Bài viết này giới thiệu Phương pháp Quản trị của IFC dành cho SMEs, được phát triển từ nhiều khu vực và dựa trên một cách tiếp cận phù hợp hơn.

CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA SMEs

Các giai đoạn phát triển của SMEs đi cùng với sự thay đổi của các điều kiện liên quan cả bên trong và bên ngoài tổ chức dẫn đến những giai đoạn khủng hoảng hoặc những thách thức đặc biệt cần phải vượt qua nếu tổ chức muốn tồn tại và tiến tới giai đoạn tiếp theo.

Các khuyến nghị về quản trị không chỉ giúp công ty thành công ở giai đoạn phát triển hiện tại của mình mà còn giúp nó tạo ra các điều kiện để tiến tới giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 1: Khởi nghiệp

Phát triển sản phẩm/dịch vụ và tiếp cận thị trường là các ưu tiên hàng đầu. Công ty phát triển dưới sự lãnh đạo chủ doanh nghiệp và thường mang tính độc đoán của người sáng lập. Các nguồn lực bị khai thác tối đa, và ít ưu tiên được dành cho phát triển tổ chức. Mô hình “nhỏ và không chính thức” hoạt động tốt cho đến khi việc mở rộng hoạt động và tăng trưởng doanh số trở thành các nhu cầu cấp bách.

Giai đoạn 2: Tăng trưởng Tích cực

Các yêu cầu cho tăng trưởng thông qua bán hàng, nhân lực, và sự phức tạp ngày càng tăng là những đặc điểm xác định của giai đoạn này. Sự tăng trưởng này phần lớn vẫn mang tính tự nhiên, không có kế hoạch và không cân bằng, điều này hoạt động tốt cho đến khi công ty trở nên quá lớn hoặc quá mất cân đối và không kết nối khiến tăng trưởng tự nhiên đạt giới hạn. Phát triển tổ chức một cách có hệ thống trở thành nhu cầu cấp thiết.

Giai đoạn 3: Phát triển Tổ chức

Khi tổ chức đã phát triển về quy mô và sự phức tạp, ưu tiên hàng đầu là khắc phục các sự mất cân đối và phát triển tổ chức thông qua chuyên môn hóa, chính sách công ty, cơ cấu tổ chức và chất lượng nhân sự. Trọng tâm của giai đoạn này là chính công ty.

Giai đoạn 4: Mở rộng Kinh doanh

Giai đoạn này tổ chức thường cần thêm vốn để vượt lên một tầm cao mới. Khi nguồn vốn này đến dưới dạng vốn cổ phần, sự gia tăng số lượng cổ đông đòi hỏi các thỏa thuận quản trị doanh nghiệp phải được hình thành và thực thi. Công ty bắt đầu hình thành các đặc điểm của “quản trị doanh nghiệp cơ bản”.

Các quá trình phát triển không nhất thiết phải là tuyến tính, đơn hướng, hay theo trình tự, công ty có thể thất bại ở bất kỳ giai đoạn nào hoặc có thể thoái lui từ một giai đoạn cao hơn xuống một giai đoạn thấp hơn.

Trong các Giai đoạn 1-3, chất xúc tác cho sự thay đổi thường là sự phức tạp ngày càng tăng của hoạt động kinh doanh do sự phát triển của tổ chức tạo ra. Ở các giai đoạn sau (Giai đoạn 3-4), sự chuyển đổi thường được kích thích bởi một sự thay đổi đáng kể về quyền sở hữu công ty.

Các chủ đề quản trị SMEs liên quan đến các nguyên tắc quản trị tổ chức

Để hiểu cách quản trị doanh nghiệp có thể đưa ra các giải pháp thiết thực cho các công ty ở các giai đoạn phát triển khác nhau, chúng ta cần hiểu rõ hơn các đặc điểm cụ thể của những giai đoạn này và mối tương quan với các vấn đề về quản trị. Tất cả các thực hành quản trị doanh nghiệp đều xoay quanh một bộ nguyên tắc chung, đó là cách điều hành, kiểm soát, và duy trì trách nhiệm của tổ chức, bao gồm cả mối quan hệ với các cổ đông cũng như văn hóa và sự cam kết bao chùm toàn bộ các khía cạnh của quản trị.

Các chủ đề này nhằm phân tích các khía cạnh sau:

• Văn hóa và cam kết đối với quản trị tốt được thể hiện qua các chính sách, quy trình và cấu trúc tổ chức.

• Ra quyết định và giám sát liên quan đến việc ai là người đưa ra các quyết định định hướng cho tổ chức, và các quyết định đó được đưa ra như thế nào.

• Quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ mô tả con người và quy trình được sử dụng để xác định, đánh giá và kiểm soát rủi ro. Điều này bao gồm giám sát các kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và kiểm toán bên ngoài.

• Công khai và minh bạch liên quan đến việc công bố và cung cấp thông tin phù hợp cho các bên liên quan bên ngoài (chẳng hạn như cổ đông, đối tác và các bên tài trợ vốn) cũng như giao tiếp với các bên liên quan bên trong một cách phù hợp.

• Quyền sở hữu bao gồm vai trò của chủ doanh nghiệp trong việc điều hành doanh nghiệp, quyền của cổ đông và giải quyết tranh chấp cổ đông.

KHUYẾN NGHỊ VỀ QUẢN TRỊ

Một khi chúng ta hiểu được những đặc điểm đi cùng với sự phát triển của tổ chức, chúng ta có thể xác định những thách thức rất cụ thể đối với sự thịnh vượng và tăng trưởng của công ty. Quản trị tốt cho SMEs cần tập trung vào thái độ, hành vi, hệ thống, và các giá trị tổ chức giúp họ vượt qua các thách thức cụ thể theo giai đoạn một cách hiệu quả về chi phí.

Giai đoạn 1: Khởi nghiệp

Tổ chức nên tập trung vào việc áp dụng các cơ chế tổ chức linh hoạt và phù hợp, tập trung quản lý dòng tiền hiệu quả, quản lý chi phí, và xác định các chức năng cốt lõi cần thiết cho sự phát triển tiếp theo, có thể bắt đầu chuyển dần sang quản lý bao quát và phân chia chức năng.

Giai đoạn 2: Tăng trưởng Tích cực

Phát triển cấu trúc và quy trình tổ chức cơ bản, Công ty nên bắt đầu xác định cách tiếp cận của mình đối với việc ra quyết định và hoạch định chiến lược. Người sáng lập/Giám đốc điều hành cần phân quyền, ủy quyền và sử dụng sự tham vấn của nhân sự chuyên môn và các cố vấn. Các hoạt động kiểm soát nội bộ cần được hình thành để thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tính tuân thủ.

Giai đoạn 3: Phát triển Tổ chức

Tập trung vào tăng cường thực hiện quản trị, xây dựng và quy chuẩn hoá các quy trình và thủ tục, hệ thống hoá việc ra quyết định, và quản lý một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Nhìn chung, việc ra quyết định nên trở nên phân quyền hơn và xây dựng sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ phận.

Giai đoạn 4: Mở rộng Kinh doanh

Xây dựng các cơ cấu quản trị và chính sách quản trị doanh nghiệp (chẳng hạn như Hội đồng quản trị) để cân bằng lợi ích của các cổ đông, mang đến chuyên môn và góc nhìn mới, và hỗ trợ phát triển chiến lược dài hạn. Các nhà đầu tư bên ngoài và hội đồng quản trị chuyên nghiệp yêu cầu quản lý rủi ro mạnh mẽ, kiểm soát nội bộ tốt, và báo cáo tài chính và phi tài chính đáng tin cậy.

Tất cả các phương pháp quản trị doanh nghiệp đều liên quan đến ba nguyên tắc cơ bản và chung là chỉ đạo, kiểm soát, và duy trì trách nhiệm. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả mong muốn, việc áp dụng các nguyên tắc này cần được điều chỉnh phù hợp với từng công ty, tình hình cụ thể và những thách thức mà họ đang đối mặt. Chúng tôi hy vọng các tổ chức xây dựng năng lực quản trị SMEs của riêng mình, phù hợp với nhu cầu đặc thù của môi trường kinh doanh của từng tổ chức.

Sustainwise đồng hành cùng các Tổ chức/Doanh nghiệp trên hành trình phát triển bền vững



Gọi cho Sustain Wise Linkedin Sustain Wise Zalo Sustain Wise