Xanh hóa chuỗi sản xuất – Lối đi bền vững cho ngành dệt may
- 30 Tháng tám, 2022
- Posted by: admin8x
- Category: News
Thu hút các dự án xanh vào sản xuất nguyên phụ liệu, hình thành nền công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, số hóa quy trình sản xuất… là chìa khóa giúp ngành dệt may phát triển bền vững trong bối cảnh mới…
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 – 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
KHÓ CÀNG THÊM KHÓ HƠN
Tại tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới” ngày 16/8, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP và EU như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…
Quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi là khâu yếu của dệt may Việt Nam, khi Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu.
Trong khi đó, thị trường các nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam đa phần là thị trường đẳng cấp và khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng, môi trường, truy xuất nguồn gốc, hàm lượng tái chế, tiêu chuẩn lao động.
Khả năng các doanh nghiệp của các nước nhập khẩu sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước lớn. Cùng với đó là sự cạnh tranh quyết liệt hơn tại thị trường nội địa do các thương hiệu lớn nước ngoài như Zara, Mango, Topshop… có mặt tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, các dự án dệt, nhuộm bị từ chối do lo ngại gây ô nhiễm môi trường. Trong khi các giải pháp phát triển bền vững thường đi liền với tăng chi phí ban đầu nên nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quyết tâm hoặc chưa đủ nguồn lực.
Bên cạnh đó, TS. Đỗ Tiến Long, Chuyên gia cao cấp Tư vấn phát triển Tổ chức và Chiến lược, cho rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang đã tạo sức ép lên giá năng lượng, giá dầu thô và khí đốt đã tăng vượt đỉnh (xấp xỉ 30% so với đầu năm). Trong khi trên 60% thị phần sợi toàn cầu tập trung vào sợi nhân tạo tổng hợp vốn có nguồn gốc từ dầu mỏ, than đá, khí đốt.
Ngoài ra, giá bông và xơ, sợi nguyên liệu tăng cao trong khi giá trị các sản phẩm may mặc không tăng đủ để bù đắp chi phí tăng thêm (giá bán chỉ tăng 15-17% trong cùng một giai đoạn) làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp may mặc.
Thay đổi chuỗi cung ứng, cam kết nhân sự, tốc độ tự động hoá cũng làm giảm dần các ưu thế về nhân công rẻ khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn.
Đặc biệt, 80% doanh nghiệp dệt may có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao, lúng túng trong chuyển đổi số… cũng là những thách thức hiện nay của ngành dệt may.
Trong khi đó, ngành dệt may đang thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ rõ Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải.
Sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu. Trong khi đó, vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 10 tỷ USD vải các loại.
LIÊN KẾT CHUỖI GIÁ TRỊ
Để nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng cần kêu gọi đầu tư cho ngành. Theo vị đại diện này, với việc tham gia các FTA, cơ hội đang mở ra rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam.
Các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi.
“Với yêu cầu về quy tắc xuất xứ như vậy sẽ giúp cho các doanh nghiệp dệt may buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi. Đây cũng chính là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững và hình thành nên chuỗi giá trị trong nước”, ông Tuấn Anh nói.
Vì thế, ngành dệt may cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường. Kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị.
Đưa ra các giải pháp về khoa học – công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may… hướng tới phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới.
Nhà nước cần xem xét hỗ trợ mạnh mẽ nhiều mặt để hình thành nền công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, đặc biệt về vốn và chính sách hỗ trợ sản xuất nguyên liệu.
Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp cần theo xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến trên thế giới. Do đó, công nghệ sản xuất của ngành sợi, dệt, nhuộm phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn hàng.
Ngoài ra, cần theo xu thế sử dụng thiết bị dệt may được số hóa, tự động hóa, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may cơ bản (nhà máy thông minh, in 3D, dệt 3D)… để kết nối minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Mặt khác, cần đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp dệt may về quản lý sản xuất, quản lý chuỗi giá trị và khách hàng; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dệt may, chú trọng các kỹ năng mới, cần thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở góc độ tín dụng xanh cho phát triển dệt may, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, đề xuất nhiệm vụ của ngành dệt may là cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường để làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả.
“Doanh nghiệp dệt may cần nâng cao nhận thức, thay đổi quy trình sản xuất, triển khai các giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng tăng trưởng xanh…”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nguồn: vneconomy.vn